Thành công
Mixtape đã nhận được băng của bạn
Thư tay đã trở nên xa lạ và đôi chút “kỳ quặc” trong thời đại này. Dường như, ta chỉ tìm thấy chúng trong những món kỷ vật của ông bà, cha mẹ còn cất giữ lại.
Người trẻ chúng ta có viết thư tay bao giờ không, mình tự hỏi, ở một thời đại công nghệ số nhanh đến mức đếm bằng giây? Mang trong lòng câu hỏi ấy, mình ghé thăm Bưu Điện Hà Nội nhân một chiều thu se lạnh.
Khoảnh khắc đúng trước cửa Bưu điện, chúng mình thấy có chút bối rối và ngại ngần. Phần vì lo lắng không biết phải hỏi thăm thế nào, phần vì nghĩ Bưu điện là nơi hành chính nghiêm túc, không phải nơi có thể dễ dàng trò chuyện.
Sự e dè ấy dẫn chúng mình đến quán nước của chú Minh – người sống và lớn lên cạnh Bưu điện hàng chục năm nay. Chú coi Bưu Điện là nhà, là nơi buôn bán, là “kỷ niệm của hai vợ chồng thời mới quen nhau”. Hai đứa gọi một cốc trà đá kèm vài ba thanh kẹo lạc, và thế là chuyến hành trình tìm về miền ký ức của những bức thư tay, về một Bưu điện cổ kính bắt đầu như thế.
Với chủ, khi ngồi trước một tờ giấy trắng và chỉ có cây bút làm bạn, con người trở nên thật thà hơn.
“Nhắn tin thì coi như anh đỡ mất thời gian. Viết thư thì nó có kỷ niệm, buồn buồn thì mình lấy ra đọc. Thư từ nó kín đáo, lặng lẽ, chân thành, mà chỉ hai người biết với nhau thôi.”
“Nhưng bây giờ không ai lạc hậu để mà gửi thư nữa cháu ạ. Giờ văn minh hiện đại, kể cả tin nhắn hàng năm vẫn xem lại được, tội gì mà gửi thư?”. Em gái của chú Minh tay vừa làm bánh mì vừa nói vọng ra. Dẫu chú Minh và bác gái đều lớn lên trong một thời kỳ, nhưng cuộc “tranh cãi” lại như dại diện cho 2 lớp thế hệ cách xa nhau hàng chục năm.
Điều gì đã khiến chú Minh tin rằng viết thư yẫn là một điều gì đó sâu sắc nên gìn giữ, trong khi chúng ta dang ở trong thời đại số chỉ cần 3s để gửi đi một dòng tin nhắn? Chúng mình thắc mắc khi nhìn thấy hòm thư đối diện đã bám đầy bụi với những nét vẽ bậy nguệch ngoạc.
“Mỗi cái nó có một cái hay riêng cháu ạ, xã hội phát triển thì liên lạc nhanh chóng hơn là chuyện bình thường. Nhưng nếu muốn người nhận thấy được cái lòng của mình thì chỉ viết thư tay mới làm được. Nếu không viết thư thì làm sao có những câu chuyện như Đặng Thùy Trâm, Trịnh Công Sơn?
Chú Minh vừa nói vừa cười xòa, như thể không muốn bị hiểu lầm rằng đang giáo điều lớp trẻ.
Vậy theo các bạn, thời buổi nào rồi còn viết thư tay? Còn với chúng mình, đó là thời buổi của tình yêu, những vấn vương và đôi lời thật thà ngại không nói.
Chúng mình tản bộ quanh phố Lê Thạch, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền để ngắm nhìn Bưu Điện lâu hơn. Hóa ra ở mỗi ngóc ngách, mỗi cơ sở, Bưu điện lại mang trong mình những nét duyên tầm riêng biệt như thế. Có lẽ Bưu điện Hà Nội không chỉ là một địa danh. Đây còn là biểu tượng văn hóa tinh thần của người dân thủ đô, mang trong mình biết bao dấu vết thăng trầm của lịch sử.
Như chú Minh nói, xã hội phát triển hiện đại hơn thì người ta không viết thư nữa là chuyện hiểu được. Dẫu vậy, chúng mình vẫn không khỏi bồi hồi khi nghĩ về một phương thức liên lạc diệu kỳ đang dần biến mất, không chỉ truyền tải thông tin, mà còn là cái hồn sâu thẳm của mình cho người nhận.
Nếu bất cứ khi nào bạn thấy lòng rối bời, hay muốn thể hiện tình cảm của mình tới người bạn yêu thương, hãy thử một lần gửi gắm tâm tư ấy qua những bức thư tay. Dẫu là câu chữ có chút vụng về hay ngay ngắn, chúng đều có khả năng khiến bạn cảm thấy hoài niệm, rung động và thấu cảm ngay từ khoảnh khắc đặt bút.
“Cứ viết đi. Chúc các cháu sẽ có những bức thư đẹp” Chú Minh đã chào tạm biệt chúng mình như thế đó. 👋