Thành công
Mixtape đã nhận được băng của bạn
Chúng mình ghé thăm cửa hàng giản dị của chú Thắng vào một buổi sáng vắng khách, khi em cún của chú vẫn nằm lười bên chiếc máy tiện đang ngủ yên.
Chú đưa cho hai đứa một mẩu gỗ thừa để kê chân chống xe. Mình lập tức bật cười vì nét quan tâm đúng chất “thợ mộc” của chú. Hành động nhỏ ấy khiến chúng mình lập tức cảm thấy thoải mái, dù đây là lần đầu tiên đặt chân lên nền gạch đầy mùn cưa, bụi gỗ giữa con phố Tô Tịch trầm mặc.
Dường như hai chữ “nghệ nhân” mà người ta vẫn dùng lại không mấy phù hợp với dáng vẻ thô mộc giản đơn của chú. “Thì chú vẫn mộc mạc vậy thôi. Vẫn đi dép cao su, quần áo thô sơ.” Chú Thắng tự kể về mình, chỉ vào đôi dép “bộ đội cụ Hồ” và bộ đồ dính đầy vụn gỗ. Chú còn vén tay áo, khoe hình xăm ngày tháng gắn với kỷ niệm nhập ngũ xưa.
“Mộc mạc”. Với con người dành cả đời bên những thớ gỗ, miệt mài gắn bó cùng nghề như chú, hai chữ này phù hợp hơn cả.
Không gian này chẳng thay đổi mấy so với cách đây 70 năm, khi bố chú Thắng về đây lập cửa hiệu.
Vẫn có chiếc bàn gỗ lớn chiếm một nửa căn phòng cùng bộ máy tiện, máy mài; vẫn treo lủng lẳng những chiếc dùi trống, ròng rọc từ gỗ; thậm chí đến em cún còn giống y chang.
Điều gì đã khiến chú ở lại đây, kiên trì tiếp tục nghề gia truyền trong khi những cửa hiệu bên cạnh đều đã thay tên, đổi chủ? Chúng mình thắc mắc khi nhìn những cửa hàng bán đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch phía đối diện.
“Người như chú bây giờ người ta gọi là “hoài cổ”: mình ở lại vì yêu thích nghề cũ, không phải là cố làm giàu, không làm vì kinh tế.” – Chú từ tốn giải đáp.
“Chứ nghề tiện giờ mai một rồi, gần như thất truyền. Chú cũng chẳng có ý định truyền nghề cho ai.” Chú nói nhẹ nhàng. “Sau này khi chú mất đi, đám máy tiện, máy cưa, máy mài đem đi bán đồng nát hết, chứ đâu có ai dùng đâu.”
Có những bài viết nói rằng chú Thắng “trăn trở”, “khắc khoải”, “buồn rầu” hay “giọng lạc đi” khi nói về tương lai – nhưng chúng mình không cảm thấy như vậy.
Trong khi chúng mình nuối tiếc nhìn dấu tích của một thời xa vắng, thì chú lại lạc quan và tích cực khi nhìn về tương lai.
“Chú cũng chẳng muốn con cái chú theo nghề.” Chú chia sẻ. “Vừa nguy hiểm, vừa khổ, lại không có tương lai. Giới trẻ mà, cứ để cho chúng nó tự phát triển chứ.” Rồi hai cô chú tự hào khoe với chúng mình về hai người con gái tài giỏi, một bạn đã đi làm, một bạn chuẩn bị thi đại học: “Nó vẽ đẹp lắm, đi học được thầy khen suốt, có tài năng lắm đấy nhé!”
Nếu có dịp đi ngang Tô Tịch, đừng quên ghé qua cửa hàng chú Thắng. Bạn sẽ được cảm nhận lối sống mộc mạc của người Hà Nội xưa trong âm thanh của chiếc máy tiện cuối cùng trên con phố mộc ngày ấy.