picture
images

Tiếng còi tàu đinh tai nhức óc lấn át mọi âm thanh trong sân ga. Tàu về bến, khi đầu máy hơi nước bắt đầu nhả khói, kẻ đứng, người ngồi lũ lượt di chuyển, bu lại thành từng nhóm lớn nhỏ trước khu vực cửa mỗi toa chờ soát vé. Tay xách, nách mang những ba lô, túi bóng thắt vài lần nơ, bên trong còn thấy rõ nải chuối và đống trứng gà quê bọc trong mấy tờ giấy vở ô li. Cô này leo lên tàu vẫn không quên ngoái cổ ra chào cổ người em trai: “Chị đi nhé”.

Tôi nhớ lại truyện ngắn “Hai đứa trẻ, đoàn tàu nhả khói trắng chở theo ước mơ tôi từ những ngày còn bé. Có ai biết tôi thích điều gì nhất ở những chuyến tàu không? Là cái mùi ngai ngái phảng phất trong không khí mỗi khi tàu chạy qua, cái thứ mùi của cỏ cây xứ lạ cùng mùi bụi dặm trường từ những miền đất xa xôi.

Tôi chọn loại ghế mềm ở toa 3. Sau một hồi di chuyển, được đặt lưng xuống cũng là một niềm hạnh phúc xứng đáng để thở phào.

images

Điều đầu tiên khiến tôi để ý là những cuộc điện thoại bắt đầu tìm đến người đi tàu. Những câu trả lời quen thuộc mà ai nghe cũng hiểu từ đầu dây bên kia hỏi gì, nỗi niềm ra sao. “Anh lên tàu rồi, chắc 2 tiếng nữa có mặt, cứ yên tâm nhé”. “Đây mẹ đây, ừ thể chắc tý lên rồi gọi taxi. Ừ rồi mẹ biết rồi… Thật là một khoảng âm thanh ngắn ngủi, chỉ vài câu trò chuyện thôi nhưng đủ để lao xao mặt hồ trong tôi.

images

Những cuộc gọi thưa dần khi tàu bắt đầu lăn bánh, khực khực vài hồi, khi đã vào guồng thì tàu chạy rất êm gần như không còn rung, lắc nữa. Mọi người dần bỏ lại những âu lo, suy tư hay vội vã để ngả lưng xuống ghế. Người cầm điện thoại xem phim, đọc báo. Người đeo kính râm, khoác áo lên che người cố ngủ. Tôi chợt nhận ra rằng một khi đã lên tàu, không rõ họ đang đi đâu, làm gì, nhưng bây giờ chúng tôi thật giống nhau. Chấp nhận gác lại mọi thứ để đoàn tàu dẫn chúng tôi về bến đỗ cuối cùng. Tàu sẽ không dừng lại, không chạy nhanh hơn vì bất kỳ ai trong chúng tôi.

images
images

Tôi mở mắt ra, thấy hơi ê ẩm quanh vùng tai. Không rõ tôi dựa đầu vào cửa sổ thiếp đi từ bao giờ. Tôi nhận ra tàu đang ở Hà Nội khi những nhịp cầu đầu tiên làm âm thanh trên tàu có sự thay đổi, to hơn, trầm hơn, tàu cũng rung lắc hơn một chút. Vừa lúc sắp đến ga Long Biên, Hà Nội đánh thức tôi dậy một cách thật tinh tế.

images

Đây là cầu Long Biên, một phần lịch sử của Hà Nội. Trong cơn mơ tôi nhớ lại ngày bé cùng ông ngoại đạp xe trên cầu, ngắm dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy dưới chân, thả dốc xuống cầu rồi đi hết Trần Nhật Duật để về nhà. Dưới cành cây khẳng khiu, ngõ nhỏ tôi lướt qua chẳng màng ngoái lại nhìn. Tuổi thơ tôi như một cuốn phim quay chậm, cứ thế bàng bạc trôi qua ngay trước mắt.

Hà Nội mùa này cây đang thay lá, những tán cây lá xanh, lá vàng, lá đỏ tạo nên cả một vùng rực rỡ phía bên dưới. Những chiếc xe ben chở dứa đỗ lại bên đường. Các cô người lựa lặt, người bê, người vác những thúng dứa uyển chuyển qua lại giữa dòng xe nhộn nhịp. Những “khu vườn nhỏ” trồng rau và đâu đó còn thấy những cành đào chỏng chơ, phô sắc giữa quạnh hiu phố phường. Lũ trẻ chạy nhảy vô tư bên cạnh những bức tường đầy graffiti ngẫu hứng trên nền xi măng tẻ nhạt. Phía xa xa là khu phố cổ Hà Nội luôn tấp nập khách du lịch. Đoàn tàu dẫn tôi qua những phố xá nhộn nhịp dưới chân, nhìn ngắm Hà Nội theo một cách rất khác. Ngắm ngõ nhỏ qua những tán cây khẳng khiu, chiêm ngưỡng những khu nhà kiểu tập thể cũ đặc trưng của Hà Nội. Một Hà Nội vừa nhộn nhịp, phát triển nhưng đâu đó vẫn phảng phất hơi thở của ngày xưa, một Hà Nội đẹp vì con người, đẹp vì những mảng thời gian hẵng còn nhuộm lên từng mái ngói, mảng tường vàng tróc son.

Hà Nội qua khung cửa sổ tàu hiện lên như một bức họa qua khung tranh đã cũ, vẫn vẹn nguyên những giá trị mà chỉ có “thành phố trong lòng sông” mới có thể toát lên một cách trọn vẹn. Thế là bao lâu nay có một Hà Nội tôi đã bỏ lỡ qua khung cửa sổ tàu. Có lẽ cuộc sống đời thường thật sự đẹp chỉ khi ta chịu nhìn nhận nó.

images
images

“Đoàn tàu đã đến ga Long Biên. Xin quý khách vui lòng kiểm tra kỹ hành lý trước khi xuống tàu. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại”.

Tiếng loa vang lên kéo tôi trở về thực tại. Hòa vào dòng người, tôi đặt chân xuống ga Long Biên. Ga nhỏ xinh, mới được tu sửa lại nên trông sạch sẽ và khang trang hơn nhiều so với lần trước tôi đến.

Nhớ ngày xưa được kể rằng ga Long Biên thực chất không phải là một nhà ga đúng nghĩa, mà chỉ là trạm dừng để đón, trả khách tại khu vực phố cổ Hà Nội. Sau này thì có tên là ga + Đầu Cầu, do gắn liền với cầu Long Biên. Ga này chỉ có một đường ray chính, không có các làn đường ray phụ hay bờ ke cho khách lên xuống tàu như các nhà ga “xịn” khác.

images

Chưa vội bắt xe rời ga, tôi cứ nhẩn nha đi lại xung quanh nơi này. Thong dong qua cổng phụ, tôi đang đứng ở trước một vòm đá hốc nơi con tàu đang “lơ lửng” bên trên phố Gầm Cầu. Thật khó tin, nhưng có lẽ người dân ở đây đã quá quen với hình ảnh lạ lẫm trước mắt mà chẳng thèm đoái hoài lấy một ánh nhìn. Ai làm việc người nấy, tính lẻ ra tôi đã ngửa cổ được vài phút rồi.

Người ta hay ví von so sánh cuộc đời mỗi con người với hình ảnh một chuyến tàu. Cũng có ga khởi hành và thúc, ga kết cũng những mục tiêu lớn nhỏ mà ta phải đạt được, hệt như những nhà ga nơi con tàu phải đến; cũng có những người mà ta sẽ đi cùng vài trạm hoặc đồng hành bên ta đến cuối hành trình.

Hành trình lần này dừng lại ở đây, hẹn một chuyến đi không vội vàng, tôi sẽ lại ngắm nhìn Hà Nội một lần nữa qua khung cửa tàu.

images