Thành công
Mixtape đã nhận được băng của bạn
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG? MÀ AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO HÀ NỘI? AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO CON ĐƯỜNG, CHO NHỮNG GÓC PHỐ QUEN?
Mỗi con đường, mỗi con sông, mỗi con người hình như đều có một cái tên. Một cái tên đóng khung những vùng ký ức thẳm sâu về gốc gác, nguồn cội. Một cái tên, dù rõ ràng hay mơ hồ, cũng đều ấp ôm một ý nghĩa gì đó đằng sau mà ít người biết được…
Giữa dọc xuôi của những nhộn nhịp đời thường, Hàng Buồm – cái tên gọi sóng gợi gió hình như chứa đựng dấu vết gì đó của một thành phố ven sông. Tôi tò mò muốn đi tìm đáp án, như cách người ta muốn cắt nghĩa về tên gọi của một người lần đầu mới gặp gỡ.
Nếu Hàng Đường là hàng đường vì có những hàng quản ô mai san sát ngọt lịm, Hàng Than đơn giản chỉ là hàng bản than (than gì nghe như than thở?) thì Hàng Buồm, vốn gợi lên cái hình ảnh căng phồng của những cánh buồm ra khơi, của vị mát lành nơi cửa biển, có câu chuyện gì đó chăng?
Nói về chuyện một góc phố, nhưng lại nhắc nhớ tôi về hình dáng của một dòng sông. Mà một dòng sông thì giống gì với một con phố? Như dòng sông đổ ra muốn hướng, con phố cũng đổ ra muôn ngả, cuốn theo bao kẻ đến người đi, bao cuộc vui, bao nỗi buồn của nhân tình thế thái.
Giữa dòng chảy bất tận ấy của năm năm tháng tháng trên con phố xưa nơi cánh buồm nâu chỉ còn trong ký ức, ngôi nhà 22 Hàng Buồm giống như một khúc xoáy trên sông, cuốn vào đó tất cả những thăng trầm của lịch sử. Ở đó có tất cả những chuyện đời, chuyện phố, có chuyện của ngày xưa, của hôm nay, của mưa Âu gió Á, của dân kẻ chợ Kiều Hoa và của cả những cư dân thành thị.
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu bước chân vào căn nhà 22 Hàng Buồm trong một ngày đầu hạ. Trời nắng dẫu đến mức gần như không chịu được thì ở đây vẫn đẹp, nhưng hôm đó trời bất chợt đổ cơn mưa. Tôi, như một người tiện đường sang ngang, bước qua cánh cổng mở to với lớp lớp hoa văn chạm khắc ở mái nhà. Ngồi nhìn ra khoảng trời rộng dưới những tán cây, cùng một người bạn cũ. Một cô gái Hà Nội, một người bạn Hà Nội, trong không gian Hà Nội thăm thẳm.
Rộng và thoảng lạ kỳ. Và yên tĩnh, và chầm chậm, như thời gian và không gian đã thực sự hoà thành một. Là Hà Nội một chiều yên ả cơn mưa? Hay là không khí bàng bạc của lịch sử, văn hoá, của những thứ xưa cũ khiến tôi thấy mình đang chậm lại? Tôi thấy mình đang trôi đi, như người ngồi thuyền lặng lẽ ngắm nhìn cảnh vật dọc đôi bờ.
Khi ta nhìn vào một con phố, một mái nhà tồn tại suốt hơn 2 thế kỷ, là ta đang nhìn xuyên thấm qua lớp lớp thời gian và những đổi thay của chúng.
Từ căn nhà trên con phố xưa chuyện bán những cánh buồm, từ một hội quán sầm uất của người Hoa bao thập kỷ trước, từ một trường mầm non tuổi thơ nay đã tới tuổi xế chiều, qua bao cuộc đổi dời, cánh buồm mà Hàng Buồm để lại, có chăng chỉ là cánh buồm trong những ý thơ tự nhiên nảy nở…
Mưa tan, ánh nắng lấp lánh trở lại qua những khung cửa, vòm trời. Những người đến và đi, trong lặng lẽ, trong vội vã, hay bình thản? Tôi và căn nhà không rõ. Căn nhà cứ thế, như chấp nhận một cuộc viếng thăm bất ngờ, chắc để trú cơn mưa, ghé một triển lãm, hay đơn thuần vì tò mò.
Cuộc sống vẫn chảy trôi và tiếp diễn như nó vốn thế. Như cách con phố, hay căn nhà, ôm ấp vào nó tất thảy chiều sâu lịch sử. Hoá ra, sự thai nghén của cái mới diễn ra trong chính khoảnh khắc của những điều đã qua và đang đến.
Và chúng ta, ở hiện tại, quá khứ, hay tương lai, cứ trôi đi trong những băn khoăn nào đó không rõ tên. Kỳ lạ thật nhỉ, khi ta biết cách đặt tên một dòng sông, một con phố, biết cách đánh số địa chỉ nhà, nhưng lại chẳng mấy khi, biết cách gọi hay đặt tên cho dòng chảy của nghĩ suy, của gặp gỡ, của những vui buồn thường nhật?
“Tôi muốn đến chỗ nước lẫn sắc, nơi bốn mùa đã hoá thành thu” – Chế Lan Viên
Hàng Buồm, Hàng Than, Hàng Lược…, còn bao nhiêu con phố nữa tôi chưa từng biết tên, chưa từng ghé đến, hay đến rồi đi, trôi qua như một dòng chảy không biết đầu cuối? Mà tôi đâu cần biết, bạn cũng đâu cần biết, chính sự tò mò sẽ dẫn ta đến những địa chỉ, những cuộc gặp gỡ mà ta cần. Chưa biết nhiều về đất nước mình cũng chẳng sao, và hóa ra nó là một điều có lợi, vì mình có thể sống với tâm thế mỗi ngày như một vị khách, một vị khách “trôi sông, ngang phố”.